Ủy ban Giám sát: Tín dụng tiêu dùng Việt Nam tiếp tục tăng cao
"Tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng cao" là nhận định được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nêu trong một báo cáo vừa công bố.
Theo đó, cơ quan này nhận định, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của Việt Nam ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%).
Báo cáo của Ủy ban cũng cho biết thêm, mảng cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3% tổng dư nợ còn cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%. Đây cũng là hai mảng cho vay chủ đạo của các công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam.
![]() |
Cho vay tài chính tiêu dùng tiếp tục bùng nổ ở Việt Nam, đặc biệt từ nay đến Tết âm lịch. |
Ủy ban Giám sát cũng nhận định, tín dụng nói chung được đẩy nhanh hơn trong tháng 11. Đến 30/11, tổng tín dụng ước tăng 2,8% so với tháng trước, tăng 15,3% so với đầu năm.
Theo số liệu của Tiến sĩ Cấn Văn Lực, trong năm 2016, tín dụng tiêu dùng chiếm đến 78% trên GDP. Trước đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, kênh tín dụng tiêu dùng đang có dấu hiệu bùng nổ với tốc độ tăng trưởng dư nợ hơn 40% mỗi năm trong 3 năm gần đây.
Năm 2017, StoxPlus dự báo, quy mô thị trường cho vay tiêu dùng ước khoảng 26,5 tỷ USD, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ.
Không chỉ vậy, Tổng giám đốc McKinsey & Company, ông Reet Chaudhuri cũng cho rằng dư địa phát triển phân khúc này vẫn còn lớn, đến từ xu hướng chuyển từ các kênh cho vay không chính thức như các khoản vay gia đình, bạn bè sang kênh tín dụng tiêu dùng.
Chính vì tiềm năng này mà nhiều dự báo cho thấy, năm 2018 sẽ có một luồng vốn ngoại chảy vào Việt Nam mạnh hơn qua các công ty tài chính để mở rộng thị trường tín dụng tiêu dùng.
Thực tế, với 7 triệu khách hàng, gần 9.000 điểm bán hàng, FE Credit đang chiếm một nửa thị phần mảng tài chính tiêu dùng của Việt Nam và nhận được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Deutsche Bank (Đức) vừa rót cho FE Credit khoản vay có giá trị đảm bảo trị giá 100 triệu USD. Năm ngoái, Credit Suisse AG Singapore cũng cấp khoản vay hợp vốn 100 triệu USD cho công ty tài chính này.
Không riêng FE Credit, nhiều công ty tài chính khác cũng đang nhận được sự hậu thuẫn lớn về nguồn vốn từ các nhà đầu tư ngoại. Lotte Card, thành viên của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), được báo chí Hàn Quốc cho biết đã mua lại 100% vốn của Công ty TechcomFinance thuộc Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), với giá tương đương hơn 1.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, sau gần 2 năm hợp tác chiến lược tài chính, HDBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của công ty tài chính trực thuộc HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản). Shinsei Bank (Nhật) cũng rót vốn góp vào MCredit (công ty tài chính của MB), từ đó, MCredit đổi tên thành Công ty TNHH tài chính tiêu dùng MB Shinsei…
Tin khác
- Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19
- Ông Nguyễn Đăng Minh Xuân tái đắc cử chức vụ Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa
- 120 suất học bổng cho con em nông dân chăn nuôi gặp khó khăn
- 10 năm chạy đua thời gian để có con của cô gái Hà Nội
- 4 người mất tích khi tàu cá chìm trên biển Vũng Tàu
- Hàng nghìn nhà dân ngập do mưa lũ, một người mất tích
- Ủy ban Giám sát: Tín dụng tiêu dùng Việt Nam tiếp tục tăng cao